Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) hợp tác cùng Decathlon để cải thiện hoạt động môi trường của chuỗi cung ứng dệt may ở Việt Nam.
Hai bên cam kết sẽ hợp tác để cải thiện hiệu suất môi trường tại chuỗi cung ứng dệt may tại Việt Nam thông qua hai dự án. 2 dự án được ký kết là Bảo vệ Khí hậu thông qua Phát triển thị trường năng lượng sinh học bền vững ở Việt Nam (BEM) và Thúc đẩy phát triển bền vững trong ngành dệt may tại châu Á (FABRIC).
Mục tiêu của những dự án này là nhằm nâng cao năng lực về thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả nước, năng lượng và quản lý hóa chất tại các nhà máy trong chuỗi cung ứng ngành thời trang tại Việt Nam trong năm 2022. Nhiều hoạt động đào tạo và tư vấn nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các nhà máy trong chuỗi cung ứng thời trang sẽ được diễn ra.
Dự án FABRIC có các khóa học nhằm thúc đẩy việc cải thiện năng lực tại các nhà máy và cung cấp kiến thức cơ bản và chuyên biệt cho ngành thời trang về biến đổi khí hậu, các giải pháp tính toán và giảm thiểu khí nhà kính đồng thời thúc đẩy các nhà máy hoàn thiện và thực hiện các hệ thống quản lý hóa chất bền vững. Trong khi đó, dự án BEM sẽ hỗ trợ Decathlon chuyển đổi việc dùng than đá bằng việc dùng các nguồn sinh khối bền vững cho các nhà máy tại Việt Nam.

Nguồn hình: vietnamtextile.org.vnDownload
Theo ông Marc Beckman – Giám đốc dự án FABRIC của GIZ, sự hợp tác này là rất quan trọng và cấp thiết. Năng lực bảo vệ môi trường cho nhà máy sẽ được nâng cao bằng những tiếp cận sáng tạo, từ đó tăng năng lực cạnh tranh tổng thể của họ trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Thêm vào đó, ông Nathan Moore – Giám đốc Dự án BEM của tổ chức GIZ cung cấp thông tin rằng mục tiêu dài hạn của dự án nhằm cải thiện các điều kiện tiên quyết để sử dụng nguồn sinh khối bền vững cho sản xuất điện và nhiệt ở Việt Nam.
Đối với Decathlon, doanh nghiệp này sẽ cung cấp các khóa đào tạo về việc tăng cường sử dụng năng lượng sinh học và các nguồn năng lượng tái tạo khác cho nhà máy của các nhãn hàng, đồng thời hỗ trợ nghiên cứu các khối chuỗi cung ứng sinh học. Bên cạnh đó, Decathlon sẽ chia sẻ các bài học thành công từ việc hợp tác với GIZ với các nhãn hàng trong nước và quốc tế tại các diễn đàn liên quan, đặc biệt là cách công ty thúc đẩy sự bền vững của chuỗi cung ứng. Ông Jérémie Piolet – Giám đốc Phát triển bền vững của Decathlon Việt Nam cho rằng: “Bằng việc hợp tác với dự án BEM và FABRIC của GIZ, đến năm 2025, Decathlon có thể sử dụng 100% nguyên liệu sinh khối để cung cấp điện và nhiệt cho việc sản xuất và trở thành công ty tiên phong sử dụng sinh khối bền vững trong ngành công nghiệp dệt may”.
Sự hợp tác này diễn ra trong khuôn khổ Chương trình Cải thiện Hiệu suất Môi trường của các Nhà máy (PIE) khu vực Châu Á của GIZ. Trong khuôn khổ dự án FABRIC, GIZ sẽ thúc đẩy hợp tác tương tự tại các quốc gia như Bangladesh và Pakistan – nơi có ngành công nghiệp dệt may đang phát triển mạnh.
Việt Nam là một trong những quốc gia có nền sản xuất dệt may lớn, nhưng nếu quy trình sản xuất của ngành dệt may vẫn chủ yếu dựa vào than và dầu thì sự phát triển này sẽ là gánh nặng cho môi trường trong tương lai. Tuy nhiên, năng lượng sinh khối của Việt Nam có tiềm năng rất lớn và hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu về năng lượng tái tạo thay thế nhiên liệu hóa thạch. Là một quốc gia nông nghiệp, Việt Nam có sẵn các nguồn tài nguyên sinh khối, bao gồm chất thải sau thu hoạch và chế biến nông, lâm sản cùng với phế phẩm.
NGUỒN TIN:
và Hiệp Hội Dệt May Việt Nam ( VITAS)